Chờ đợi dòng tiền | KSI x Báo Đầu tư Chứng khoán
Từ mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên trong vài tháng trước, thanh khoản sàn HOSE liên tục suy giảm, hiện chỉ còn quanh mức 11.000 - 12.000 tỷ đồng. Dòng tiền không chảy vào chứng khoán như kỳ vọng, mặc dù lãi suất tiết kiệm đã về mặt bằng thấp như giai đoạn dịch Covid-19.
Ngại rủi ro, dòng tiền đánh giá lại kỳ vọng
Trước đó, nhiều người kỳ vọng thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ tăng lên khi có một lượng lớn tiền tiết kiệm đến kỳ đáo hạn sẽ chảy vào thị trường do lãi suất huy động ngân hàng không còn hấp dẫn. Nhưng thực tế cho thấy, người dân vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm, tức ưu tiên yếu tố an toàn.
Tiền vẫn dịch chuyển vào thị trường chứng khoán
Theo góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, nhân viên môi giới, chuyên gia phân tích và chuyên viên phụ trách quan hệ nhà đầu tư (IR) ở một số doanh nghiệp. Lý do đơn giản là lãi suất ngày càng giảm, thị trường bất động sản chưa khởi sắc, hiện chỉ có kênh chứng khoán có thanh khoản, dễ tham gia… Nói cách khác, “dòng tiền chưa có nhiều lựa chọn kênh đầu tư hấp dẫn hơn chứng khoán”.
Đánh giá về sự luân chuyển dòng tiền trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại, Từ góc nhìn của Ông Nguyễn Thành Trung Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group:
Thời gian trước, dòng tiền hướng vào các ngành hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ… Nhưng hiện tại, dòng tiền đã bắt đầu chuyển hướng vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh được dự báo là khả quan so với cùng kỳ năm trước, hoặc các ngành đang trong quá trình phục hồi, điển hình là khu công nghiệp, dệt may, thủy sản… Đây là diễn biến hợp lý, vì suy cho cùng, cổ phiếu muốn hút được dòng tiền thì phải xuất phát từ nền tảng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Các đợt sóng tăng theo kỳ vọng chính sách như thời gian vừa qua không mang tính bền vững, do doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh đang rất khó khăn. Trong bối cảnh hiện tại, khi mà tăng trưởng tiền gửi cao hơn tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động được giữ ở mức thấp, trong khi thị trường chứng khoán sau đợt sụt giảm vừa qua đã đưa định giá về vùng khá hấp dẫn thì đây vẫn là kênh đầu tư sáng sủa nhất. Dòng tiền sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trên thị trường nhưng chắc chắn là sẽ phân hóa mạnh. Cổ phiếu của các doanh nghiệp chứng tỏ được giá trị vững chắc sẽ hút mạnh dòng tiền, còn các cổ phiếu tăng theo kỳ vọng sẽ phải chịu áp lực điều chỉnh. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư đòi hỏi phải có sự phân tích kỹ càng về nền tảng cơ bản của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Trung - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán.
Nguồn: Đầu tư Chứng khoán - Chuyên trang của Báo Đầu tư
Xem thêm chi tiết tại: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-tiet-kiem-chua-chay-vao-thi-truong-chung-khoan-post331798.html