Phân tích cổ phiếu GIL - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới
1. Giới thiệu doanh nghiệp
a) Lịch sử hình thành
Tiền thân của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh là Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận Bình Thạnh được thành lập từ năm 1982 theo Quyết định số 39/QĐ UB ngày 19/3/1982 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện chủ trương cổ phần hoá của Nhà nước, Công ty Sản Xuất Kinh Doanh Xuất Nhập Khẩu Bình Thạnh đã tiến hành cổ phần hoá chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần.
Tháng 11/2000, Công ty Cổ phần Sản Xuất Kinh Doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh được thành lập, theo Quyết định số 134/2000/QĐ TTg của Thủ tướng ban hành ngày 24/11/2000, với vốn điều lệ ban đầu là 12 tỷ đồng.
Tháng 8/2001: Công ty tăng vốn điều lệ lên 17 tỷ đồng Việt Nam.
Tổng số lao động của công ty hiện nay là khoảng 2.000 người. Công ty có 01 siêu thị điện máy và 01 xí nghiệp may trực thuộc.
Công ty bắt đầu niêm yết với mã GIL ngày 02/01/2002 trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Tổ chức tư vấn: công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt. Kiểm toán độc lập: công ty dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Vào ngày 31/12/2016, vốn điều lệ của Công ty là 139.245.880.000 đồng
Ngành nghề kinh doanh
- Sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng da, cao su, lương thực thực phẩm, thiết bị, máy móc, vật liệu xây dựng, các loại nguyên liệu và các sản phẩm khác.
- Nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu, vật tư, phương tiện vận tải, hàng tiêu dùng, kim khí điện máy, điện tử
- Dịch vụ thương mại và dịch vụ cầm đồ
- Xây dựng, trang trí nội thất, san lấp mặt bằng, kinh doanh địa ốc.
- Hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn
b) Cấu trúc công ty
- Tổng số công ty con đầu tư trực tiếp: 14
- Tổng số công ty con đầu tư trực tiếp được hợp nhất : 14
- Tổng số công ty liên doanh liên kết được hợp nhất: 1
- Tổng số công ty liên doanh liên kết: 1
- Hai đối tác khách hàng lớn nhất của GIL là Amazon Robotics và Ikea, lần lượt chiếm 85% và 15% trong cơ cấu doanh thu của GIL
c) Cơ cấu cổ đông
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
2. Kết quả kinh doanh Q2/2023
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
Kể từ quý 3/2022 đến nay GIL ghi nhận doanh thu thuần có tụt giảm mạnh so với các quý trước đó. Tuy nhiên, tại thời điểm Q3/2022 nhờ vào khoản thu lớn từ hoạt động tài chính đã giúp cho doanh nghiệp tiếp tục giữ được mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng. Nhưng sang các quý sau kể từ quý 4/2022 đến quý 2/2023 mặc dù đã tăng cường thắt chặt các loại chi phí nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn không thể tránh khỏi mức tăng trưởng âm. Cụ thể, sau khi lợi nhuận sau thuế lỗ 38.619 triệu đồng tại quý 1/2023 thì sang quý 2/2023 mặc dù lợi nhuận sau thuế vẫn lỗ nhưng đã có cải thiện hơn so với quý 1 trước đó nhờ vào doanh thu thuần và doanh thu từ hoạt động tài chính. Sự sụt giảm không phanh của doanh thu là do tháng 4/2022, Amazon Robotics đột ngột thu hẹp các đơn hàng dù trước đó và theo thống kê thì đây cũng là đối tác đóng góp khoảng 85% doanh thu cho Gilimex.
Còn hoạt động Bất động sản Khu công nghiệp (KCN) đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất vào quý 3, do đó chi phí vận hành chung của mảng này tăng mạnh, còn doanh thu sẽ được ghi nhận vào các quý sau.
3. Tình hình tài chính doanh nghiệp
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
GIL là doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn và vững mạnh nhất toàn ngành dệt may. Tính đến Q2/2023, GIL ghi nhận tổng giá trị 3.523 nghìn tỷ trong đó doanh nghiệp luôn duy trì lượng lớn là tài sản ngắn hạn với 86,45% tổng giá trị tài sản còn lại là tài sản dài hạn. Trong tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp chiếm chủ yếu là hàng tồn kho và tiền mặt
Hàng tồn kho |
Q2/2023 |
---|---|
Hàng mua đang đi đường |
2.183.670.452 |
Nguyên liệu, vật liệu |
300.822.478.848 |
Công cụ, dụng cụ |
52.305.644.363 |
Chi phí SXKD dở dang |
150.975.539.776 |
Chi phí xây dựng dự án KCN Phú Bài |
211.945.239.010 |
Chi phí xây dựng dự án KCN Vĩnh Long |
5.080.176.909 |
Thành phẩm |
664.425.787.549 |
Hàng hóa |
395.140.034 |
Hàng hóa gửi bán |
49.121.322 |
Tổng cộng |
1.388.182.798.263 |
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
Q2/2023 Hàng tồn kho ghi nhận tăng hơn 47% so với cùng kỳ, điều này một phần cũng là do giai đoạn cuối năm 2022, ngành dệt may gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng vẫn còn ảm đạm, dẫn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn từ đó hàng tồn khá là lớn và tốn nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó đây cũng là điểm sáng của doanh nghiệp khi thị trường và nền kinh tế hồi phục trở lại. Doanh nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu với giá vốn hợp lý.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng có xu hướng giảm, nhờ vào doanh nghiệp đã không còn trích lập nợ của AMAZON
Doanh nghiệp đầu tư tài chính ngắn hạn chủ yếu vào cổ phiếu của các công ty và đầu tư nhiều nhất vào cổ phiếu của CTCP Garmex Sài Gòn với giá trị ban đầu 64 tỷ đồng tuy nhiên mức dự phòng đối với cổ phiếu này lên tới 40 tỷ đồng.
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
Cho đến nay, GIL là một doanh nghiệp có tài chính lành mạnh khi sử dụng nợ vay tương đối thấp. Tính đến quý 2/2023 nợ phải trả chỉ chiếm 29.08% trên tổng nguồn vốn còn lại 70.20% là vốn chủ sở hữu
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
Đến năm 2021, GIL mới bắt đầu ghi nhận có sử dụng nợ vay dài hạn nhưng cũng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nguồn vốn. Năng lực tài chính vững mạnh và cấu trúc vốn an toàn cũng phần nào được thể hiện khi nợ vay rất nhỏ so với tài sản của doanh nghiệp.
Ngoài ra, GIL có lợi thế về lượng tiền mặt và đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng mạnh, lên tới 1.152 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 378 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp có lợi thế về dòng tiền sẵn có, sẵn sàng cho việc chi trả nợ vay cũng như là triển khai các dự án nếu có. Đây là một yếu tố tích cực tới thời điểm hiện tại.
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về hệ số thanh toán tiền mặt, thanh toán hiện thời và thanh toán nhanh tương đối cao và liên tục có xu hướng tăng trưởng. Điều này chứng tỏ, GIL hoàn toàn có khả năng để thực hiện các nghĩa vụ nợ của mình.
4. Triển vọng doanh nghiệp
*) Lĩnh vực BĐS Khu công nghiệp:
Dự án KCN Phú Bài 4
Quy moo: 460.85 Ha. Tổng vốn đầu tư: 2,614 tỷ đồng; Chia làm khu A và khu B.
-
Khu A: 49.17 ha trong đó đất dành cho nhà máy, kho bãi là 29.06ha
-
Khu B: 411.68 ha trong đó đất dành cho nhà máy là 258 ha, kho bãi 12.4 ha
Lợi thế cạnh tranh: Khu công nghiệp Gilimex ở tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều ưu điểm đáng chú ý khi thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm vị trí địa lý thuận lợi tại cửa ngõ phía nam, hệ thống giao thông tiện lợi, nằm liền kề Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, nằm ven Quốc lộ 1A và tỉnh lộ 15, cũng như kết nối thuận tiện với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Điều này tạo điều kiện lý tưởng cho giao thương quốc tế và liên vùng trong tuyến trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung.
Khu công nghiệp Gilimex có ưu thế cạnh tranh với việc được xếp loại là KCN hạng A, trong khi các khu công nghiệp lân cận thường chỉ thuộc hạng B hoặc C. Tệp khách hàng hướng đến sẽ thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, có tính chất xanh – sạch theo khuyến khích của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như giảm chi phí xử lý chất thải làm hại môi trường. Hiện tại, giá cho nhóm khách hàng đầu tiên ở mức 60-70 USD/m2, thấp hơn so với mức giá ở một số khu công nghiệp khác ở miền Trung (95-100 USD/m2). Công ty đang tích cực quảng bá và tổ chức roadshow để tạo sự nhận diện và tạo cơ hội cho việc thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Khi thị trường tốt hơn, có thể điều chỉnh mức giá để thúc đẩy đầu tư hơn nữa.
Tiến độ: Đã hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng. Mục tiêu 2023 sẽ hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng, hoàn thành thi công xây dựng và vận hành khu A và phân kỳ 1 của phân khu B vào quý 4/2023. Như vậy theo dự kiến khu A của KCN Phú Bài 4 sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho Gilimex vào năm 2023. Với Giá thuê đất từ 65$/m2 (Giá cập nhật Q1.2023) => Doanh thu dự kiến ghi nhận 2023: 748,475 tỷ đồng đến từ Khu A KCN Phú Bài 4. Dự kiến tổng doanh thu từ cho thuê KCN Phú Bài sẽ rơi vào khoảng 4.200 – 5.900 tỷ VND. Với biên lợi nhuận giao động từ 20-30%, trong đó GIL sẽ được hưởng 68% lợi nhuận (GIL nắm giữ 68% cổ phần của công ty này, tính cả sở hữu chéo ).
.
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
KCN Gilimex Vĩnh Long (400 ha). Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 9/2022. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn Giai đoạn 1: 255 ha ở xã Thành Lợi. Giai đoạn 2: 145 ha ở xã Thành Lợi & thị trấn Tân Quới. Từ quý III/2023, dự án sẽ bắt đầu tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Từ quý IV/2023, bắt đầu thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Thời gian thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được bàn giao đất.
Dự án nằm trên quốc lộ 54, một trong những tuyến đường huyết mạch của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.. Dự án này được xây dựng tại vị trí đắc địa gần cảng, sân bay kết nối với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đây được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Ngoài ra KCN Gilimex Quảng Ngãi (730ha). Dự án đang trong giai đoạn xin cấp phép từ các cơ quan có thẩm quyền.
*) Lĩnh vực sản xuất: Việc đâm đơn kiện với khách hàng lớn nhất của mình khiến cho tình hình kinh doanh của GIL vô cùng khó khăn trong giai đoạn nửa cuối 2022 và thách thức sẽ vẫn rất lớn trong năm 2023. Dù vậy, GIL cho biết khách hàng hiện tại và khách hàng mới đang đóng góp phần lớn vào kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 (KH mới chiếm 30% trên tổng doanh thu dự kiến 2023). Phát triển khách hàng mới bước đầu sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên sẽ dần ổn định sau thời gian hợp tác tốt đơn hàng sẽ tăng lên. Giá trị đơn hàng đầu tiên đã ký ước tính hơn 12 triệu USD.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 1,500 tỷ đồng doanh thu, 103.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 53%, 71% so với cùng kỳ. Trong đó:
- Mảng bán hàng và thành phẩm (dệt may) chỉ đạt 930 tỷ đồng doanh thu, giảm 70,6%;
- Đóng góp mới từ mảng khu công nghiệp đạt 520 tỷ đồng từ dự án KCN Phú Bài;
- Biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,6% lên mức 23,5% nhờ mảng khu công nghiệp đạt biên lợi nhuận khả quan.
5. Đánh giá
Hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu u, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn. Theo chúng tôi đánh giá ngành dệt may Việt Nam đã đang dần bước qua thời kỳ ảm đạm và đà suy giảm doanh thu của ngành dệt may Việt Nam đang dần được thu hẹp. Hầu hết các công ty đều đã nhận ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong Q4/2022, do đó, thời gian tới đây đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần và các doanh nghiệp sẽ có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ Q4/2023.
Mặc dù doanh nghiệp gặp khó khăn trong mảng gia công dệt may nhưng doanh nghiệp cũng đang dần xây dựng tệp được khách hàng mới với giá trị hợp đồng lớn và rủi ro bên mảng sản xuất cũng chính là cơ hội giúp cho doanh nghiệp có thể tập trung xây dựng và phát triển các dự án về bất động sản khu công nghiệp.
ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU
Bảng: So sánh chỉ số P/B toàn ngành dệt may Q2/2023
Mã chứng khoán |
P/B |
GIL |
0,93 |
ADS |
1,27 |
GMC |
0,72 |
MSH |
1,97 |
TCM |
2,06 |
TNG |
1,41 |
TVT |
0,69 |
EVE |
0,69 |
KMR |
0,32 |
NDT |
0,57 |
VGT |
1,00 |
DM7 |
1,21 |
HSM |
0,31 |
HTG |
1,41 |
M10 |
1,15 |
VGG |
0,95 |
HNI |
1,43 |
Trung bình ngành |
1,06 |
(Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI tổng hợp)
Tính đến Q2/2023, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) có chỉ số P/B là 0.93 với BVPS là 35,337 và giá trị P/B trung bình ngành đạt 1,06. Do đó, KSI định giá mức giá hợp lý ở thời điểm hiện tại của doanh nghiệp theo phương pháp P/B là 37.622 đồng.
(Note: Mức giá mà chúng tôi đưa ra chỉ là mức giá hợp lý ở thời điểm hiện tại. Cổ phiếu GIL còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng khi trong thời gian tới nền kinh tế dần hồi phục trở lại, nhu cầu đối với các mặt hàng quần áo may mặc cao hơn sẽ giúp cho đơn đặt hàng xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam tăng lên, thêm vào đó dự án khu công nghiệp Phú Bài 4 dự kiến sẽ đi vào hoạt động và ghi nhận doanh thu ở hai quý cuối năm 2023. )
Ms. Lê Phương Anh
.