CHỈ SỐ USD INDEX (DXY)
USD hiện đang là loại tiền tệ được sử dụng nhiều trên thế giới. Đi kèm với USD là chỉ số DXY – chỉ số dùng để đo lường giá trị đồng USD với các loại tiền tệ khác. Chỉ số này có tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính và trong đó có thị trường chứng khoán, do đó DXY được nhà đầu tư hết sức quan tâm. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về chỉ số DXY qua bài viết này.
1. CHỈ SỐ DXY LÀ GÌ ?
Chỉ số DXY, hay còn gọi là chỉ số USD Index (ký hiệu là DX, DXY, USDX) là một loại thước đo giá trị sức mạnh đồng đô la Mỹ so với 6 loại tiền tệ của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm: Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), Đô la Canada (CAD), Kronor Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sĩ (CHF). Do đó, sự thay đổi của các loại tiền tệ này sẽ ảnh hưởng nhất định đến chỉ số DXY
Chỉ số DXY sẽ biến động cùng chiều với giá trị đồng USD, khi DXY tăng thì cũng đồng nghĩa đồng USD cũng tăng và ngược lại.
2. CÔNG THỨC TÍNH
USD Index được tính toán từ tỷ giá hối đoái của 06 đồng tiền tệ khác (đi kèm với tỷ trọng cấu thành USD Index) là:
– EUR 57,6%
– JPY 13,6%
– GBP 11,9%
– CAD 9,1%
– SEK 4,2%
– CHF 3,6%
Mỗi quốc gia có diện tích và nền kinh tế với quy mô hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế tỷ trọng của chúng phải khác nhau. Khu vực Châu Âu có tới 19 quốc gia tham gia chính vì vậy EUR chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số sức mạnh của USD (DXY). Tiếp theo đó là Yên Nhật, vì Nhật Bản là một trong các cường quốc kinh tế.
*Công thức được tính như sau:
DXY = 50.14348112 × tỷ giá EUR/USD^(-0.576) × tỷ giá USD/JPY^(0.136) × tỷ giá GBP/USD^(-0.119) × tỷ giá USD/CAD^(0.091) × tỷ giá USD/SEK^(0.042) × tỷ giá USD/CHF^(0.036)
Từ công thức trên ta có thể thấy giá trị của mỗi loại tiền tệ sẽ được nhân với trọng số. Trọng số là số dương khi đồng đô la Mỹ là tiền tệ cơ sở. Trọng số là một số âm khi đồng đô la Mỹ là tiền tệ biến đổi.
3. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI CHỈ SỐ DXY
Chỉ số DXY biến động theo cung và cầu của đồng USD và 6 loại tiền tệ thành phần. Những chỉ số này giúp các nhà đầu tư đưa ra phán đoán về sự biến động của USD trong tương lai. Một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến biến động của chỉ số DXY:
-
Chính sách tiền tệ của quốc gia: đặc biệt là các biện pháp liên quan đến lãi suất có tác động đáng kể đến giá trị của đồng tiền. Nếu tăng lãi suất thì giá trị đồng tiền cũng sẽ tăng và ngược lại.
-
Lạm phát: chỉ tiêu này cũng nằm trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến thị trường dẫn đến thay đổi chỉ số DXY. Mức độ lạm phát và sự ổn định kinh tế của một quốc gia cũng ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền của họ.
-
Chỉ số USD Index có mối quan hệ mật thiết tới sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Vì vậy, khi nền kinh tế bị biến động thì chỉ số DXY cũng sẽ biến đổi theo.
Ví dụ: Khi lạm phát Mỹ duy trì mức thấp thì FED giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế, điều này đã tác động đến giá trị của đồng đô la Mỹ dẫn đến đồng USD bị mất giá hơn. Ngược lại, khi lạm phát Mỹ tăng cao thì sẽ buộc FED tăng lãi suất thì giá trị của đồng đô la Mỹ cũng sẽ tăng theo.
4. ẢNH HƯỞNG CỦA DXY ĐẾN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Chỉ số DXY ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia, tác động đến nhiều ngành nghề, doanh nghiệp do đó nó cũng tác động đến thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Trong giai đoạn vừa qua, khi lạm phát Mỹ liên tục tăng cao đặc biệt vào năm 2022, điều này khiến FED buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và từ đó đẩy giá trị đồng USD lên cao. Chỉ số DXY cũng tăng mạnh dẫn đến các đồng tiền khác bị mất giá trong đó có đồng VND. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách can thiệp để cân bằng tỷ giá với đồng USD dẫn tới ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của một quốc gia. Trong đó có một số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi USD tăng giá và ngược lại một số doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá này.
Ví dụ: Ở Việt Nam, khi USD tăng giá thì những doanh nghiệp xuất khẩu, thanh toán bằng đồng USD như dệt may, gỗ, thủy sản sẽ hưởng lợi, những doanh nghiệp đang vay nợ bằng các đồng tiền khác sẽ hưởng lợi do những đồng tiền này bị mất giá. Nhưng đối với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn do các mặt hàng sẽ trở nên đắt đỏ hơn, ví dụ như các công ty nhập khẩu hóa chất, dược phẩm… Những công ty vay nợ bằng USD cũng gặp bất lợi nếu đồng Đô la tăng giá. Việc vay nợ bằng USD khiến họ lỗ tỷ giá dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm.
Từ ví dụ trên, ta có thể thấy doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng từ USD làm biến động giá trị lợi nhuận của doanh nghiệp và khi kết quả kinh doanh sụt giảm cũng sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Cùng với đó cũng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư dẫn đến các động thái rút vốn và từ đó kéo theo sự biến động trên thị trường này.
Chú ý: Thông tin này không được hiểu là khuyến nghị; hoặc một lời đề nghị mua hoặc bán; hoặc chào mời chào mua hoặc bán bất kỳ chứng khoán, sản phẩm tài chính hoặc công cụ nào; hoặc tham gia vào bất kỳ chiến lược giao dịch nào. KSI không đưa ra tuyên bố và không chịu trách nhiệm pháp lý nào về tính chính xác và đầy đủ của nội dung trong bài viết này.