BVSC | BÁO CÁO VĨ MÔ THÁNG 01/2023
- Chỉ số SXCN trong tháng 1/2023 giảm 14,61% so với tháng 12/2022 và 8,04% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo – động lực chính của SXCN đã giảm 16,05% MoM và 9,1% YoY. Diễn biến giảm này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 2 tới đây;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (TMBL) trong tháng 1/2023 đạt 544.829 nghìn tỷ đồng, tăng 19,95% YoY. So với tháng 12, tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng ghi nhận được mức tăng tích cực 5,25%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong một tháng Tết trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng tiêu dùng tích cực trong tháng 1 có được một phần nhờ nền thấp trong cùng kỳ (Việt Nam vẫn chưa mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế cho tới giữa tháng 3/2022) và yếu tố giá tăng (giá cả hàng hóa tăng xấp xỉ 5%);
- Về đầu tư công, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 1/2023 đạt 27.025 tỷ đồng, tăng 4,73% YoY và giảm 59,02% MoM, hoàn thành 3,7% kế hoạch cả năm. Chúng tôi kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong các tháng tiếp theo để hoàn thành kế hoạch giải ngân rất lớn trong năm 2023 – trên 700 nghìn tỷ đồng;
- Chỉ số CPI tăng 4,89% YoY trong tháng 1, mức tăng YoY cao nhất kể từ đầu năm 2020, đồng thời cao hơn mục tiêu lạm phát 4,5% đã được đề ra cho năm 2023. Chúng tôi cho rằng chỉ số CPI của Việt Nam sẽ tiếp tục trên 4,5% trong tháng 2, trước khi hạ nhiệt trở lại trong các tháng sau đó, dự báo cả năm 2023 ở mức 4-4,5%;
- Tính tới hết tháng 1/2023, đồng VND đã tăng trở lại 0,75% so với đồng USD. Lãi suất ở mặt bằng cao cùng chỉ số DXY hạ nhiệt là những yếu tố đang hỗ trợ cho sự lên giá của đồng VND. Việc VND vẫn có diễn biến lên giá trong bối cảnh NHNN có động thái mua USD trở lại (theo một số nguồn tin) cho thấy áp lực tỷ giá từ ngoại cảnh đang giảm bớt. Kết hợp cùng việc kiểm soát được chỉ số CPI trong những tháng tới về dưới ngưỡng mục tiêu 4.5%, đây sẽ là cơ sở để hạ tiếp mặt bằng lãi suất và dần nới lỏng hơn về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.