(ĐTCK) Dù có sự tăng tốc trong tháng cuối năm nhưng tăng trưởng tín dụng không như giới đầu tư kỳ vọng. Tác nhân chính, được giới phân tích đồng thuận, đến từ khả năng hấp thụ vốn kém của nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi sức khỏe của doanh nghiệp, yếu tố cơ bản trong đầu tư chứng khoán chưa tích cực, dòng tiền vào thị trường này cũng "nhỏ giọt".
Khó bơm tín dụng vào sản xuất - kinh doanh
Tăng trưởng tín dụng kém, tiền đang khó đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa, chủ yếu do nhu cầu tín dụng yếu (xuất khẩu và tiêu dùng nội địa yếu); các ngân hàng thận trọng cho vay trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao; lãi suất cho vay dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, chưa hấp dẫn với doanh nghiệp để vay mới.
Tiền vào chứng khoán cũng hụt hơi
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group cho rằng, tiền vẫn chưa vào thị trường chứng khoán như kỳ vọng dù mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp. Nguyên nhân có thể do nhà đầu tư e ngại nhiều yếu tố vĩ mô, cũng như khối ngoại chưa dứt chuỗi bán ròng.
Để kích thích dòng tiền lớn nhập cuộc, theo ông Trung, các yếu tố vừa kể ở trên phải thay đổi theo hướng ngược lại. Tức là, thứ nhất, nền kinh tế phải thấy được những tín hiệu sáng sủa hơn (vì hiện tại, còn nhiều điểm đáng lo như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức thấp, cho thấy các doanh nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro và chưa sẵn sàng gia tăng hàng tồn kho; tình hình xuất khẩu vẫn rất khó khăn, cho dù đã có tín hiệu tạo đáy. Kinh tế Mỹ có thể yếu hơn trong năm 2024… Thứ hai, thị trường phải tiếp tục chiết khấu đến mức đủ để kích thích lòng tham của nhà đầu tư. Cuối cùng là, khối ngoại cần chấm dứt chuỗi bán ròng như hiện tại. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ về giá trị giao dịch nhưng việc khối ngoại bán ròng mạnh trong suốt cả năm 2023 cũng khiến nhà đầu tư trong nước “chùn tay”.
Rõ ràng, dù lãi suất đang ở mức thấp, nhưng tín dụng vẫn chưa chảy mạnh như mong muốn của nhà điều hành. Trong khi đó, người dân vẫn tiếp tục gia tăng gửi tiết kiệm, chứ chưa có ý định đẩy mạnh hoạt động đầu tư sang các kênh khác như bất động sản, chứng khoán. Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục xu hướng rút ròng mạnh mẽ, bất chấp tình hình tỷ giá trong nước đã ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu ôn hòa về việc có thể bắt đầu giảm lãi suất từ năm 2024, từ đó, khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những diễn biến kém khả quan.
Chỉ số VN-Index vẫn loanh quanh mốc 1.100 điểm và chưa rõ xu hướng, trong khi dòng tiền đang thấp dần. Suốt từ đầu năm 2022 đến nay, xu thế chính của thị trường chứng khoán Việt Nam là điều chỉnh cộng thêm những vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp đã khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường vốn gặp rất nhiều khó khăn.
Việc tháo gỡ các vấn đề hiện tại, theo ông Thành Trung, không dễ vì nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu. Khi tổng cầu kinh tế thế giới suy giảm thì các nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam ảnh hưởng nặng nề. Tín dụng hiện tại chưa như mong muốn cũng là do doanh nghiệp chưa nhìn thấy có sự tăng lên của tổng cầu ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc, EU, nên chưa có nhu cầu gia tăng vốn vay. Chúng ta cần phải chấp nhận thực tế khó khăn này và chờ đợi trong năm 2024 khi tình hình sáng sủa hơn, tức là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất để tránh hạ cánh cứng cho nền kinh tế Mỹ. Tổng cầu kinh tế thế giới phục hồi giúp cho đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng trở lại từ đó hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, khơi thông dòng tiền và khối ngoại sẽ quay trở lại để bắt đầu một chu kỳ mới. Điều quan trọng là Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này bằng các chính sách như tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT; xử lý các vướng mắc về pháp lý; đưa ra các gói kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là gói vốn 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp cần được đẩy mạnh để hỗ trợ thị trường bất động sản “hạ cánh mềm”, không xảy ra tình trạng đổ vỡ thị trường.
Ông Nguyễn Thành Trung - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán.
Nguồn: Đầu tư Chứng khoán - Chuyên trang của Báo Đầu tư
Xem thêm chi tiết tại: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tac-von-post336494.html