Lỗi giao diện: file 'snippets/evo-article-amp.bwt' không được tìm thấy
Trang chủ Liên hệ

Dòng tiền “bắt đáy” | KSI x Báo Đầu tư Chứng khoán

KIM Invest 04/05/2024

(ĐTCK) Dòng tiền “bắt đáy” phần lớn đặt niềm tin vào sóng tăng dài hạn của thị trường, nên các nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để thiết lập trạng thái tích luỹ, chờ giai đoạn hồi phục.

Tính đến phiên 23/4/2024, VN-Index đã giảm hơn 100 điểm mà chưa có nhịp hồi phục nào rõ ràng. Tuy nhiên, khi chỉ số ở vùng 1.160 - 1.190 điểm, tương ứng quanh ngưỡng hỗ trợ MA200, nhiều tín hiệu cho thấy dòng tiền thực hiện bắt đáy. Phiên phục hồi hơn 28 điểm ngày 24/4 đã giúp VN-Index quay trở lại trên mốc 1.200 điểm, phần nào giải toả tâm lý “căng thẳng” của các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, giới chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần quan sát lực cầu ở nhịp hồi ngắn này, nếu lực cầu không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt thì khả năng thị trường sẽ tìm kiếm điểm cân bằng ở mức điểm thấp hơn, vì lực bán có thể quay trở lại.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup cho biết, thị trường có nhịp phân phối kéo dài từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4/2024, sau đó có một số phiên giảm điểm mạnh vào giữa tháng 4 và gần đây có một số phiên tăng giảm đan xen, nhưng đáy ngắn hạn chưa hình thành rõ nét. Mặc dù vậy, nhịp điều chỉnh nhanh của thị trường vừa qua ít tiêu cực hơn so với giai đoạn tháng 9 - 10/2023, bởi cấu trúc vận động của dòng tiền khá tích cực, khi phần lớn nhà đầu tư vẫn ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thay vì tập trung vào nhóm đầu cơ ở các mã vốn hóa vừa và nhỏ. Dòng tiền vẫn chủ đạo “găm” vào các cổ phiếu trụ nên mức độ giảm sẽ không lớn, thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật.

Thực tế, việc thị trường điều chỉnh mạnh không gây bất ngờ với nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm. Trước đó, VN-Index đã có một khoảng thời gian tăng điểm dài, 4 - 5 tháng, nên động thái chốt lời là dễ hiểu. Dòng tiền lớn có dấu hiệu rút lui trong tháng 3/2024, khi chỉ số chung chủ yếu đi ngang trong vùng 1.250 - 1.290 điểm, với khối lượng giao dịch tăng, thể hiện tình trạng phân phối. Bên cạnh đó, một số yếu tố vĩ mô phát đi tín hiệu bất lợi cho thị trường chứng khoán như lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trên thị trường mở (OMO) đều tăng mạnh, đi kèm với sự tăng nóng của tỷ giá. Hiện tại, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn “nghe ngóng”, chờ đợi lãi suất hạ nhiệt, tỷ giá bớt căng thẳng…

Ông Nguyễn Thành Trung nhận xét, sau giai đoạn tăng mạnh của VN-Index khi kỳ vọng vào nhiều yếu tố tích cực, đưa P/E toàn thị trường lên gần 15 lần, nhà đầu tư đang dần điều chỉnh lại các kỳ vọng. Dòng tiền rút khỏi các nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh trong giai đoạn trước và nhạy cảm với các rủi ro của nền kinh tế, trong khi đó các nhóm cổ phiếu phòng thủ, có tỷ suất cổ tức cao hoặc triển vọng hồi phục rõ rệt như dược, hàng gia dụng, vận tải, hàng không vẫn nhận được sự chú ý của dòng tiền, ghi nhận tăng trưởng về giá trong tháng 4/2024. Nếu phân loại theo nhà đầu tư thì dòng tiền bán ròng trong thời gian qua ghi nhận ở khối ngoại, trong khi nhà đầu tư cá nhân và tự doanh trong nước mua ròng.

Ông Nguyễn Thành Trung - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Nguồn: Đầu tư Chứng khoán - Chuyên trang của Báo Đầu tư

Xem thêm chi tiết tại:  https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-bat-day-post344278.html

 

Bài viết liên quan