(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường đang ở vùng đỉnh 1 năm, chiến lược đầu tư có thể sẽ phải điều chỉnh để danh mục an toàn hơn.
Chú trọng vào các doanh nghiệp tăng trưởng
Mức định giá P/E bình quân của thị trường chứng khoán gần đây khoảng 16 lần, so với giai đoạn đầu năm 2023 thì không còn rẻ, thậm chí có nhiều nhóm cổ phiếu trở nên đắt đỏ. Thị trường lập đỉnh ngắn hạn nhờ dòng tiền quay lại trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dù khối ngoại có động thái bán ròng.
VN-Index có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 5/2023, gần đây có một số phiên trồi sụt, nhưng vẫn đạt mức tăng khoảng 17%, dao động ở vùng đỉnh 1 năm, từ 1.220 - 1.250 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/9 tại 1.223,81 điểm, chỉ số có mức tăng hơn 20% so với đầu năm 2023, còn so với đáy ngắn hạn giữa tháng 11/2022, mức tăng là trên 30%. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp suy giảm so với cùng kỳ và quý II nhìn chung đi ngang. Vì vậy, định giá chung của thị trường trở nên đắt hơn trước và nếu nhìn vào các yếu tố cơ bản sẽ khó tìm cơ hội đầu tư hơn.
Một số nhóm ngành có dư địa tăng
Nhiều cổ phiếu đang có mức giá cao so với trước, nhưng không ít nhóm ngành nói chung, cổ phiếu nói riêng có triển vọng tiếp tục tăng.
Về các nhóm ngành có dư địa tăng trưởng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group nhận định, nhóm khu công nghiệp hiện là lựa chọn tốt. Bởi lẽ, nhiều công ty và tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là SZC, KBC, IDC.
Thứ hai là nhóm chứng khoán, mặc dù giá đã tăng mạnh, nhưng vẫn có khả năng tiếp tục tăng. Nhóm ngành này có yếu tố hỗ trợ là chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng vào hệ thống giao dịch mới (KRX) dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay. Với dòng tiền chảy mạnh vào thị trường thời gian qua, có thể dự đoán rằng, kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm 2023 của các công ty chứng khoán sẽ tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, nhất là các mã đầu ngành như VCI, SSI, HCM, CTS.
Thứ ba là nhóm ngành ngân hàng. Mặc dù không còn ở giai đoạn tăng trưởng nóng và nền kinh tế đang gặp khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhưng một số cổ phiếu có dư địa tăng do định giá vẫn hấp dẫn. Trong khi đó, lợi nhuận của ngành ngân hàng ổn định, nếu dùng phương pháp định giá P/B thì giá không ít cổ phiếu đang ở mức thấp, dưới giá trị sổ sách. Một số cổ phiếu có tiềm năng để đầu tư là TCB, STB.
Thứ tư là nhóm ngành dệt may. Thời gian qua, ngành này gặp khó khăn do nhu cầu suy giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt, nhưng có dấu hiệu đã chạm đáy lợi nhuận, dự kiến sẽ phục hồi trong thời gian tới khi các dữ liệu vĩ mô cho thấy sự gia tăng trở lại về giá trị xuất khẩu. Cổ phiếu đáng chú ý là GIL, TNG.
Ông Nguyễn Thành Trung - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán.
Nguồn: Đầu tư Chứng khoán - Chuyên trang của Báo Đầu tư
Chi tiết xem thêm tại: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chien-luoc-dau-tu-tren-mat-bang-gia-moi-post329921.html