1. Khái niệm
Chỉ số P/E (viết tắt của từ Price to Earning Ratio) được dùng để đánh giá mối quan hệ giữa giá cổ phiếu trên thị trường (Price) và lãi thu được trên một cổ phiếu (EPS). Chỉ số P/E được xem là một tiêu chí quan trọng để định giá cổ phiếu. Nếu chỉ số này thấp thì có thể hiểu là giá cổ phiếu rẻ và ngược lại.
Cụ thể hơn, chỉ số P/E là điểm hòa vốn ước tính, để biết được đầu tư trong thời gian bao lâu thì sẽ lấy lại vốn.
2. Công thức
P/E = Thị giá cổ phiếu (Price) / Lợi nhuận trên 1 cổ phiếu (EPS)
Trong đó, EPS được coi là biến số quan trọng nhất. EPS là phần lợi nhuận mà doanh nghiệp phân bổ cho mỗi cổ phần đang lưu hành trên thị trường. Nó thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp được tính theo công thức:
EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi) / Số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành
3. Ý nghĩa
Chỉ số P/E mang ý nghĩa thể hiện số tiền mà bạn sẵn sàng bỏ ra để đổi lấy một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu đó. Hoặc có thể hiểu là bạn sẽ trả bao nhiêu tiền cho cổ phiếu của doanh nghiệp dựa trên doanh thu của họ.
- P/E cao: Thông thường, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, chỉ số P/E cao đôi khi là biểu hiện việc doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, khiến EPS thấp (thậm chí = 0) nên P/E mới cao.
- P/E thấp: Có thể doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian trước. Vì thế, EPS tăng lên, khiến cho P/E thấp. Trong trường hợp này có thể nói cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua vào. Tuy nhiên, P/E thấp có thể do P giảm (do Nhà đầu tư không còn thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp, nên quyết định bán chốt lời, khiến giá cổ phiếu giảm) hoặc EPS tăng bất thường từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con, những khoản lợi nhuận này sẽ không bền vững. Với những trường hợp này, chỉ số P/E ở mức thấp có thể sẽ duy trì trong một khoảng thời gian, nhưng có lẽ cổ phiếu đó không được coi là rẻ, bởi triển vọng phát triển của doanh nghiệp không còn tươi sáng.
4. Nghịch đảo của P/E - chỉ số ít người chú ý đến
Nghịch đảo của chỉ số P/E là: E/P = EPS/Price
Nếu P/E cho biết mất bao nhiêu năm để Nhà đầu tư thu hồi được vốn khi đầu tư vào doanh nghiệp với thị giá hiện tại của cổ phiếu thì E/P (Earning Yield) cho biết mức lợi tức mà Nhà đầu tư có thể thu được từ việc đầu tư cổ phiếu của Doanh nghiệp đó trong một năm.
Ví dụ: Hiện tại P/E của VN-Index ở mốc 10.37 => E/P = 1/10.37 = 9.64%, nghĩa là lợi tức có thể thu được khi đầu tư vào thị trường tại thời điểm này là khoảng 9.64%/năm, chỉ tương đương với lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng. Như vậy, với tỷ suất lợi tức này, thị trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền từ các Nhà đầu tư.
Như vậy, chỉ số E/P không được nhiều người chú ý đến nhưng lại rất hữu ích trong việc tính nhanh mức lợi tức thu được khi đầu tư vào một Doanh nghiệp trước khi phân tích đến những yếu tố khác.
Qua bài viết trên, KSI hy vọng Quý Nhà đầu tư có thể biết rõ hơn về chỉ số P/E, E/P để đưa ra các quyết định đầu tư của mình.
Hồng Nhung