DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023
I. Bối cảnh kinh tế vĩ mô
a) Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (Ảnh: CNBC)
Cuộc chiến chống lạm phát đã bắt đầu từ năm 2022 và vẫn tiếp tục kéo dài tới năm 2023. Lạm phát ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt nhưng chỉ số tăng trưởng cải thiện sớm cùng với việc các chỉ số lạm phát lõi (cả CPI, PCE) có đà giảm chậm làm cho cuộc chiến chống lạm phát cần thời gian, đồng nghĩa với chính sách thắt chặt tiền tệ cần chặt hơn và lâu hơn. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tạm ngừng tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6 sau 10 lần tăng liên tiếp. Theo dữ liệu do Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, lạm phát cơ bản tăng 4,8% so với cùng kỳ và là tốc độ chậm nhất kể từ cuối năm 2021. Dù vậy, tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 2%- đây có thể là cơ sở để Fed tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp cuối tháng 7 này.
Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù lạm phát vẫn còn khá cao so với mục tiêu 2% nhưng Fed đang tiến gần hơn đến hồi kết và dự báo về chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ đang dần kết thúc. Giai đoạn tiếp theo sẽ là giữ lãi suất ở mức cao trong khi đó theo dõi chặt chẽ các dữ liệu kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số lạm phát để có biện pháp chính sách tiền tệ tương ứng.
b) Việt Nam
* Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023
World Bank đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu tốt hơn so với ước tính trước đây, tuy nhiên kinh tế năm nay vẫn giảm tốc so với năm 2022. Dự tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%, giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo của tổ chức hồi tháng 1 nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% ( quý II tăng 4,14%), chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023, tuy nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 6-6,5% thì nửa cuối năm cần tăng trưởng 8-9%. Đây là một thử thách không nhỏ cần nhiều sự hỗ trợ từ phía chính phủ và NHNN. Điểm tích cực trong nửa đầu năm 2023, nhờ mở cửa trở lại của Trung Quốc, xuất khẩu sang Trung Quốc được cải thiện rõ rệt trong tháng 5 (+18,8% YoY) và tháng 6 (+25,9% YoY) nhưng xuất khẩu sang Mỹ và các nước Châu Âu vẫn suy giảm. Chúng tôi nhận định rằng, xuất khẩu sẽ thu hẹp đà giảm khi lạm phát ở Mỹ và EU được cải thiện. Kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước ASEAN tiếp tục hồi phục. Đây cũng chính là động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%). Nhưng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6/2023 tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, IIP giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,1%) và PMI trong tháng 6 vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất tiếp tục suy giảm. Với kết quả 46,2, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5, chỉ số lần này cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục suy giảm mạnh. Các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thị trường yếu kém. Chúng ta đang phải chứng kiến sản lượng và số lượng đơn đặt hàng giảm, giá bán hàng cũng giảm với tốc độ nhanh nhất trong thời gian hơn 3 năm, điều này hàm ý kinh tế khó có khởi sắc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng bán lẻ phục hồi nhờ vào giảm thuế GTGT, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và du lịch phục hồi nhờ vào khách quốc tế và khách Trung Quốc. Dòng vốn FDI có sự cải thiện, giải ngân đầu tư công trong nửa đầu năm đạt khoảng 30,5% kế hoạch đã giao. Nhưng để đạt được từ 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, thì bình quân 7 tháng còn lại phải giải ngân mỗi tháng ít nhất từ 65 đến 70 nghìn tỷ đồng (gấp 1,4 – 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân trong quý 2/2023). Vậy nên, áp lực giải ngân đầu tư công nửa cuối năm rất lớn nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên với cùng với những chính sách hỗ trợ như nới lỏng tiền tệ, lượng vốn lớn đầu tư công kỳ vọng giải ngân và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp Việt Nam vượt qua những bất lợi.
* Chính sách tiền tệ
Lạm phát là mục tiêu ưu tiên của các Ngân hàng trung ương và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Sáu tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%. Chỉ số CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%; lạm phát cơ bản tăng 4,74%, lạm phát dự kiến sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm, dù vậy chỉ số CPI của Việt Nam dự báo sẽ ổn định và ở mức dưới 4% do sức cầu yếu cho phép. NHNN chủ động nới lỏng chính sách tiền tệ và liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên hấp thụ tín dụng nền kinh tế vẫn còn yếu, hầu hết mức tăng trưởng tín dụng tại các NHTM chỉ quanh 2% thậm chí 1%. Dự báo lãi suất sẽ có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ để hỗ trợ cho các ngân hàng và quá trình phục hồi nền kinh tế.
Trong nửa đầu 2023, tỷ giá VND/USD ổn định và được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục ổn định do Việt Nam có lợi thế về thặng dư thương mại, dòng vốn FDI giải ngân ổn định, cũng như việc thanh khoản hệ thống được điều tiết tốt. Tuy nhiên, về ngắn hạn tỷ giá sẽ chịu áp lực do sự lệch pha về chính sách tiền tệ khi Việt Nam đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế khó khăn trong khi Mỹ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chúng tôi cho rằng sức ép tỷ giá sẽ tạo rủi ro ngắn hạn làm ngăn cản nỗ lực mở rộng tiền tệ phục hồi kinh tế tại Việt Nam.
II. Thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023
Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI, dữ liệu Vietstock.vn
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu chuyển biến tích cực, với chỉ số VN-Index tăng khoảng 28% từ mức thấp nhất vào khoảng tháng 11/2022. Nhờ vào việc Chính phủ nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu qua đó giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, NHNN liên tiếp 4 lần cắt giảm lãi suất; Chính sách tài khóa nhìn chung vẫn theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư công giúp làm động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm. Hiện tại, Chính phủ đang nỗ lực để đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế: 6,5%/năm (2021-2025); 7,5% (2026-2030); 6,5%-7,5% (2031-2050), do đó có thể thấy NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận theo quý của các công ty niêm yết sẽ dẫn đến phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Mặc dù khó để kỳ vọng kinh tế có thể chuyển biến ngay, do nút thắt khó giải quyết. Nhưng về ngắn hạn những chính sách này sẽ giúp tăng thanh khoản trên thị trường, dòng tiền có thể sẽ chảy nhiều vào thị trường chứng khoán, ngoài ra còn giúp cho dòng tiền trong doanh nghiệp hoạt động trở lại làm tăng định giá chung của doanh nghiệp cũng như thị trường trong dài hạn. Với những cân nhắc dựa trên nền tảng vĩ mô, chúng tôi đánh giá rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tích luỹ và đang chuyển dịch sang tăng nghi ngờ. Nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục khó khăn nhưng giai đoạn khó khăn nhất đang đi qua và thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ dần phục hồi một cách chậm chạp có xen lẫn các nhịp điều chỉnh.
KSI kỳ vọng trong nửa cuối năm 2023 nhờ sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chính phủ sẽ giúp thị trường tăng mục tiêu 1.200 - 1.300 điểm
Nguồn: Phòng phân tích đầu tư KSI, dữ liệu Vietstock.vn