Chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng là chiến lược đầu tư tập trung vào các cổ phiếu đang có đà tăng giá và thu hút được sự chú ý của thị trường và đặc biệt là từ phía các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Đầu tư theo đà tăng trưởng cần chú ý:
- Thứ nhất, đà tăng trưởng ở đây không phải cổ phiếu đã tăng quá nhiều mà là các cổ phiếu đang có quán tính tăng mạnh.
- Thứ hai, nên tập trung vào những cổ phiếu hàng đầu và mang tính dẫn dắt trong ngành cũng như toàn thị trường. Những cổ phiếu này thường có xu hướng chạy trước hoặc tăng mạnh hơn khi thị trường đi lên và thường xuống sau hoặc có mức giảm nhẹ hơn khi thị trường chung điều chỉnh.
- Thứ ba, trong một đà tăng thì khi mua cao thì sẽ bán được giá cao hơn và những người mua từ giá cao hơn này sẽ bán được giá cao hơn nữa.
Các bước thực hiện chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng:
Bước 1: Tìm ra được danh mục đầu tư
Bước 2: Chọn thời điểm đầu tư
Bước 3: Quản trị danh mục đầu tư: Kiểm soát lãi/lỗ
(1) Chọn danh mục đầu tư
Trên TTCK Việt Nam hiện nay có hơn 1.350 cổ phiếu, mỗi cổ phiếu hàng ngày thường đều có những thông tin tốt, xấu riêng. Chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng là phải đầu tư vào các cổ phiếu đang có đà tăng tốt nhất thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà một cổ phiếu lại có đà tăng mạnh, đà tăng mạnh xuất hiện bởi vì cổ phiếu này có lực mua tốt, lực gom mạnh và chính lực gom đó không phải tự nhiên mà có. Có thể do yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đó tốt, có thể là triển vọng sắp tới sẽ rất tiềm năng, có thể là cổ phiếu đó đang được định giá hấp dẫn và cũng có thể là đội lái đang gom hàng. Bất kỳ một lý do nào đó cũng giúp cho hành động và việc gom hàng này là có mục đích và nếu chúng ta tham gia vào một cuộc chơi mà có mục tiêu, mục đích rõ ràng (nhất là đang ở trong pha tăng) sẽ nhanh chóng đạt được lợi nhuận hơn so với tất cả các phương pháp khác.
Cổ phiếu trên đà tăng trưởng ít rủi ro nhất là cổ phiếu tăng trưởng vì một sự kiện nổi bật - như tăng trưởng lợi nhuận - sẽ tăng trưởng bền vững hơn các cổ phiếu khác. Để giảm thiểu rủi ro hơn nữa, nên chọn cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu của ngành hoặc lĩnh vực kinh tế hàng đầu bởi nếu ngành đó vẫn tiếp tục phát triển thì đà tăng trưởng của cổ phiếu vẫn tiếp tục.
Còn đối với các cổ phiếu theo đà tăng trưởng có nhiều rủi ro hơn là những có cổ phiếu tăng do có tin đồn sáp nhập, mua lại hoặc tung sản phẩm mới. Nếu các sự kiện này không thành công thì giá cổ phiếu sẽ sụt giảm trong toàn bộ đợt tăng trưởng. Rủi ro nhất là những cổ phiếu tăng dựa trên hoạt động giao dịch trong ngày, bản tin công ty, diễn đàn hay chỉ là tin tức trên phương tiện truyền thông hoặc do các nhà phân tích hay chuyên gia đưa ra. Khi những nhận định này thay đổi thì giá có thể tụt nhanh đến mức không một chiến lược rút lui nào có thể ngăn được.
Nhà đầu tư cần xây dựng một danh sách cổ phiếu tiềm năng để khi xuất hiện một cổ phiếu có đà tăng trưởng tốt hơn những cổ phiếu đang nắm giữ, có thể chuyển sang cổ phiếu đó nhanh chóng.
Cách tìm nhóm cổ phiếu theo đà tăng trưởng an toàn là sàng lọc cổ phiếu phù hợp.
Đầu tiên tìm ra ngành kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt nhất trong các ngành; Hoặc từ các ngành bắt đầu chuyển hướng đi lên (phục hồi sau khó khăn); Hoặc các ngành đang hoạt động và chưa có dấu hiệu đi xuống.
Sau đó, lọc cổ phiếu có đà tăng trưởng hàng đầu trong ngành đó.
+ Biến động giá lớn nhất so với ngày hôm trước, tuần trước, tháng trước.
+ Phá vỡ giai đoạn đáy (break-out)
+ Mức tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn cao nhất so với cùng kỳ.
+ Mức tăng lợi nhuận dự báo trong một tháng mà các nhà phân tích đưa ra. Nếu các ý kiến được điều chỉnh tăng lên, điều này càng trở lên tích cực.
+ Dòng tiền cao nhất. Cổ phiếu có lượng tiền đổ vào nhiều nhất là cổ phiếu được đầu tư nhiều nhất.
Rút gọn danh sách cổ phiếu từ 5-10 mã để chọn những cổ phiếu tốt nhất trong những cổ phiếu còn lại.
Ví dụ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến trong hơn nửa đầu năm 2021 nhu cầu, sản lượng tiêu thụ và sản xuất của ngành thủy sản giảm đáng kể, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của nhóm ngành này. Tuy nhiên đến cuối năm 2021, tình hình kiểm soát dịch bệnh được cải thiện hơn, ngành thủy sản được phục hồi trở lại và ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra đạt mức cao nhất trong tháng 11/2021. Đây là dấu hiệu của ngành bắt đầu chuyển hướng đi lên. Trong tương lai, những tin tức về xuất khẩu sẽ mang lại nhiều kỳ vọng cho ngành thủy sản. Khi tình hình dịch bệnh dần đi vào ổn định, không còn giãn cách, hoạt động sản xuất kinh doanh được cải thiện, nền kinh tế được khôi phục cộng với nhu cầu xuất nhập khẩu của các nước lớn ngày càng tăng thì đây chính là tiềm năng và triển vọng của ngành thủy sản cần để theo dõi.
Các cổ phiếu trong ngành được hưởng lợi: ACL; ANV; VHC; FMC; IDI; CMX; …
Từ cuối năm 2021 khi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dần được hé lộ, các cổ phiếu trong ngành đồng loạt tăng trưởng cao với một lượng tiền lớn được chảy vào các cổ phiếu thủy sản. Đây là tín hiệu tiếp theo cho thấy đà tăng trưởng của nhóm ngành này và cần lựa chọn các cổ phiếu được dòng tiền quan tâm nhất, lưu ý các doanh nghiệp đầu ngành cá tra như ANV và VHC.
Đến đầu năm 2022, các tin tức về các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá đều công bố kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận được cải thiện nhờ giá cá tra và tôm xuất khẩu phục hồi thì hầu hết các mã cổ phiếu ngành thủy sản đều có mức tăng trưởng cao. Trong đó 2 mã chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất kể từ đáy là 2 mã đầu ngành ANV (+137%) , VHC (+228%).
(2) Thời điểm để đầu tư
Khi bạn đã tìm được ra danh mục cổ phiếu để đầu tư như vậy rồi bước tiếp theo là bạn phải chọn ra được thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp này sao cho hạn chế được rủi ro nhất:
• Thứ nhất, khi một cổ phiếu đang giao dịch trong vùng tích lũy tốt sẽ ít rủi ro.
• Thứ hai, khi một cổ phiếu đã tích lũy đủ về lượng rồi thì sẽ có cơ hội rất cao bứt phá lên phía trước. Điều đó giúp chúng ta nhanh chóng kiếm được lợi nhuận trong ngắn hạn.
• Thứ ba, mua khi có dấu hiệu nên mua và bán khi có dấu hiệu nên bán. Điều đó có nghĩa là khi một cổ phiếu có tín hiệu bất thường thì cần phải tôn trọng các tín hiệu và ngừng đầu tư nếu dấu hiệu đó là thua lỗ. Việc nhận ra nhanh chóng các khoản lỗ nhỏ sẽ giúp giảm khả năng biến thành các khoản lỗ lớn hơn.
Dấu hiệu mua: Dựa vào một số chỉ báo về giá và khối, đường chỉ báo MACD, RSI, hay sự break khỏi nền của cổ phiếu.
Dấu hiệu bán:
+ Lượng tiền đổ vào giảm dần.
+ So sánh cổ phiếu đó với các chỉ số tương thích của ngành để thấy sự suy yếu của cổ phiếu so với ngành. .
+ Nguyên nhân tạo ra đà tăng trưởng đã thay đổi.
(3) Quản trị danh mục
Bất kể một chiến lược đầu tư nào cũng không bao giờ mang lại thành công 100%. Nếu nhà đầu tư không biết quản trị tốt lãi/lỗ danh mục đầu tư của mình thì nhà đầu tư đó sẽ thất bại.
Phương pháp quản trị danh mục:
- Tính đa dạng: Danh mục đầu tư có từ 5-10 cổ phiếu để dễ quan sát và giảm thiểu rủi ro khi sụt giảm bất ngờ.
- Giám sát danh mục đầu tư: Do chiến lược đầu tư này thường ngắn hạn bởi các đà tăng trưởng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn do sự biến động của thị trường, do đó cần phải liên tục giám sát danh mục, chú ý các dấu hiệu đảo chiều và các thông báo về lợi nhuận, hoạt động của ngành và những sự kiện ảnh hưởng đến danh mục đầu tư. Nhà đầu tư phải luôn thận trọng, cảnh giác và có khả năng hoạt động nhanh chóng và quyết đoán.
- Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt: Khi không tìm được cổ phiếu có đà tăng trưởng hoặc phải đương đầu với một loạt khoản lỗ, nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, giảm tỷ trọng cổ phiếu cho đến khi thị trường có dấu hiệu tích cực, phù hợp hơn với chiến lược đầu tư.
Lời khuyên khi đầu tư theo đà tăng trưởng.
- Không lựa chọn theo cảm tính
- Luôn có kỷ luật và tuân thủ kỷ luật
- Xây dựng chiến lược gia nhập và rút khỏi thị trường hợp lý
- Chú ý mỗi ngày đối với cổ phiếu đã chọn
- Áp dụng chiến lược đầu tư từ trên xuống dưới
- Theo dõi sự thay đổi của các dự đoán
- Theo dõi các thông báo của công ty
- Chấp nhận thua lỗ.