Nền kinh tế luôn vận động không ngừng, mỗi giai đoạn lại có những sự biến động khác nhau tuy nhiên hầu như đều tuân theo vòng chu kỳ kinh tế. Về cơ bản, một chu kỳ kinh tế gồm 4 giai đoạn:
Giai đoạn tăng trưởng
Ở giai đoạn này, thị trường thường tăng trưởng với lạm phát ở mức trung bình nhưng có xu hướng tăng dần. Một dấu hiệu đáng lưu ý là nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đều tăng. Do đó, việc làm, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất cũng đạt mức cao nhất. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng giai đoạn này thường không quá cao, các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất dễ dàng vay tiền để mở rộng cơ sở kinh doanh, các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn khiến thị trường tiếp tục tăng trưởng nóng. Lợi nhuận các công ty bắt đầu tăng cùng với giá cổ phiếu. Thị trường trở nên hưng phấn tột độ kéo theo các “sản phẩm đầu tư” như bất động sản và chứng khoán cũng tăng rất cao và có xu hướng tạo đỉnh. Lúc này sẽ dần xuất hiện hiện tượng đầu cơ và bong bóng tài sản.
Giai đoạn suy giảm
Ở giai đoạn này, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tối đa. Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, các doanh nghiệp dần không còn khả năng để đẩy mạnh sản xuất và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Việc chi tiêu hoặc đầu tư để mở rộng thêm bắt đầu gặp áp lực chi phí sản xuất gia tăng (bao gồm nguyên vật liệu đầu vào, tiền lương, …) khiến một số doanh nghiệp chuyển chi phí này sang người tiêu dùng thông qua giá cao hơn. Khi đó áp lực lạm phát bắt đầu tăng lên. Lúc này các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất để chống lại tình trạng giá cả tăng cao và hạ nhiệt nền kinh tế khiến cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn. Các doanh nghiệp có nợ cao dần mất khả năng thanh toán.
Giai đoạn suy thoái
Lúc này kinh tế bắt đầu thu hẹp lại. Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm dự trữ ngoại tệ. Chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt đối với các sản phẩm không thiết yếu, bắt đầu giảm. Sản xuất chậm lại để phù hợp với nhu cầu giảm dần. Do đó việc làm và thu nhập cũng có thể giảm khi các doanh nghiệp tạm dừng tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí. Lợi nhuận các doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Khi đó, các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản trở nên rủi ro, dòng tiền dần dịch chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn. Khi thị trường chứng khoán và bất động sản dần tụt dốc, thanh khoản giảm dần và xảy ra hiện tượng suy thoái.
Nếu nền kinh tế đang bị suy thoái nghiêm trọng, ngân hàng trung ương có xu hướng hạ lãi suất để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể vay tiền với giá rẻ để chi tiêu và đầu tư. Các biện pháp kích thích kinh tế được đưa ra nhằm đẩy mạnh chi tiêu của người tiêu dùng, tăng nhu cầu hàng và dịch vụ.
Giai đoạn phục hồi
Lúc này kinh tế đã qua đáy khủng hoảng và bắt đầu chu kỳ mới. Các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong giai đoạn trước bắt đầu phát triển trở lại khi những chính sách được ban hành phát huy tác dụng. Sản xuất tăng tốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng cùng với đó là mở rộng kinh doanh, việc làm, thu nhập và GDP. Lợi nhuận doanh nghiệp dần cải thiện và giá trị cổ phiếu có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận tiềm năng lớn hơn của cổ phiếu so với trái phiếu.
Vậy hiện tại thị trường đang ở giai đoạn nào?
Sau khi duy trì lãi suất cơ bản cố định gần mức 0 kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, năm 2022 chứng kiến việc FED 7 lần tăng lãi suất cơ bản nhằm kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ đẩy mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới đều tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm. Đồng thời, đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi quay về đầu tư tại Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao.
Tại Việt Nam, NHNN đã phải bán ra khoảng 22 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm 2022 tương đương khoảng ⅕ tổng dự trữ tính đến cuối năm 2021, ước tính dự trữ còn lại của NHNN khoảng 87 tỷ USD. Việc NHNN bán ra một lượng lớn USD nhằm hỗ trợ tỷ giá tiền đồng khi đồng nội tệ rơi xuống mức giá thấp kỷ lục vào tháng 10 so với đồng USD do dòng vốn chảy ra ngoài khi FED liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát ở nước này. Ngoài ra, để giữ cho đồng VNĐ không bị mất giá quá lớn gây bất ổn vĩ mô, NHNN cũng tăng lãi suất điều hành trong nước nhằm duy trì sức hấp dẫn của VND và kiểm soát lạm phát.
Cùng lúc này, những vấn đề thao túng thị trường chứng khoán và trái phiếu khiến tín dụng bị thắt chặt gây nên cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư khó tiếp cận được nguồn vốn mới, chi phí tài chính tăng do lãi suất tăng gây áp lực lên giá bán sản phẩm trong khi sức cầu giảm sút do cá nhân đầu tư cũng khó tiếp cận dòng tiền và mất niềm tin vào chủ đầu tư. Quan sát 3 quý của năm 2022, thị trường BĐS có một số điểm khá tương đồng với giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2008. Cụ thể, thị trường BĐS bị sốt giá nhà đất xảy ra hồi đầu năm, tình trạng lệch pha cung - cầu, nguồn cung lệch về phân khúc nhà ở cao cấp và thiếu hụt nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Khi gặp khủng hoảng tài chính, nhiều doanh nghiệp BĐS gặp rủi ro bị sụt giảm sâu thanh toán, thậm chí mất thanh khoản do các khoản nợ trái phiếu và nợ ngân hàng với lãi suất cao trong khi doanh thu giảm sút. Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện cắt lỗ để tồn tại, các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh lên đến 40% - 50% giá trị bất động sản tiếp tục được một số chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Có thể thấy, giai đoạn này mang khá nhiều đặc điểm của giai đoạn suy thoái khi lạm phát, lãi suất tăng mạnh, Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm dự trữ ngoại tệ, Thị trường chứng khoán và bất động sản xuống thấp nhất.
Tuy nhiên, quan sát giai đoạn hiện nay có thể thấy đồng USD sau khi tạo đỉnh vào tháng 9/2022 ở mức 115 thì bắt đầu xu hướng giảm. Hiện đã giảm về mức 103 tương đương giảm 10% kể từ đỉnh. Việc đồng USD giảm sẽ hỗ trợ cho các quốc gia ổn định tỷ giá và tạo điều kiện để nguồn vốn nước ngoài quay trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, khi tỷ giá đang có dấu hiệu hạ nhiều, NHNN sẽ bắt đầu mua USD để tăng cường dự trữ ngoại hối trở lại. Minh chứng là trong tháng 1, NHNN đã mua 2 tỷ USD và đến nay khoảng hơn 3 tỷ USD. Dự báo trong năm 2023, NHNN có thể mua 10 - 12 tỷ USD tương đương mức trung bình trong 10 năm từ 2012 - 2021 giúp gia tăng dự trữ ngoại hối và giải tỏa áp lực cho hệ thống ngân hàng. Khi thanh khoản dồi dào trở lại, các ngân hàng cũng có điều kiện để hạ lãi suất huy động trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng chậm lại. Cụ thể sau nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm vào tháng 10 năm ngoái, từ ngày 15/03 NHNN bắt đầu giảm lãi suất điều hành. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp. Trong kịch bản tích cực, khả năng sẽ không có những diễn biến bất ngờ về lạm phát, tỷ giá thì lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức độ giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đơn cử như rủi ro từ thị trường TPDN, nợ xấu ngân hàng, tăng trưởng kinh tế đi cùng với nhu cầu tín dụng…
Có thể thấy, thị trường hiện tại đang có một vài tín hiệu về việc tạo đáy và chuẩn bị bước vào giai đoạn chu kỳ mới như lãi suất đang có dấu hiệu hạ nhiệt và dự trữ ngoại hối tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế khiến thị trường chưa thể bứt phá được khi sức cầu trong nước vẫn còn yếu và mặt bằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn ở mức cao áp lực đến chi phí vốn của DN nên khó có thể mở rộng sản xuất. Hay những khó khăn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được tháo gỡ hoàn toàn khiến doanh nghiệp chưa thể cải thiện tình hình kinh doanh. Trong năm 2023, theo ước tính sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong đó có khoảng 119.000 tỷ đồng từ trái phiếu bất động sản. Điều này sẽ gây lên áp lực thanh khoản lớn đến thị trường. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu như nghị định 08 cho phép DN được đàm phán giãn hoãn thời gian đáo hạn trái phiếu cũng như thanh toán nợ bằng tài sản khác ngoài tiền song vấn đề về pháp lý các dự án sẽ khó để các tổ chức có thể tìm được nguồn vốn mới hoặc có cơ sở để làm việc với các chủ nợ cũ trong việc gia hạn thanh toán hoặc tái cấu trúc lại nợ vay.
Như vậy, nhìn tổng thể, thị trường chung của thế giới và Việt Nam đều đang có dấu hiệu của việc tạo đáy và có thể đáy dài hạn đã bắt đầu từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, để bứt phá lên và chuyển sang giai đoạn khôi phục thì vẫn còn nhiều yếu tố: (1) FED tiếp tục giảm đà tăng của lãi suất và có thể bắt đầu hạ lãi suất khi các rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu dần hạ nhiệt; (2) Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất toàn cầu tăng trở lại; (3) Riêng đối với Việt Nam, vấn đề về trái phiếu dần được tháo gỡ, đặc biệt khi lượng trái phiếu đến hạn vào Q2, Q3 không để lại quá nhiều hệ quả. Khi đó, thị trường chung mới dần phục hồi trở lại và thị trường chứng khoán mới có thể đi lên.