Giai đoạn 1996 - 2000
Bắt đầu vào thời điểm ngày 28-11-1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ. Và chỉ 2 năm sau đó, ngày 11-7-1998, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh theo Nghị định số 48/CP của Chính phủ. Đồng thời, Chính Phủ cũng ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, đặt cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28-7-2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chính thức đi vào hoạt động với 2 mã cổ phiếu giao dịch đầu tiên là REE và SAM.
Giai đoạn 2000 – 2004
Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh với sự ra đời của Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 20/07/2000 và phiên giao dịch đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/07/2000 chỉ với 02 mã cổ phiếu là REE (Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE) và SAM (Công ty cổ phần SAM Holdings), vài tháng sau thị trường đón nhận sự tham gia của trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, 4 năm sau đó là sự tham gia của chứng chỉ quỹ đầu tư VFMVF1. Các hàng hóa cơ bản của thị trường đã có mặt đầy đủ trên Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM. Sau 04 năm đi vào hoạt động, Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.
Giai đoạn 2005 – 2006
Đánh dấu làn sóng tham gia niêm yết ồ ạt của các doanh nghiệp, trong đó có sự tham gia của lĩnh vực ngân hàng trên TTCK Việt Nam (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank được niêm yết vào ngày 12/7/2006). Giai đoạn này ghi nhận sự đột phá của HOSE trong việc đề xuất bán cổ phần của các Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa qua Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM (TTGDCK TP.HCM) và đã tổ chức thành công cuộc đấu giá đầu tiên cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào năm 2005. TTGDCK TP.HCM đã dần khẳng định vị thế trên TTCK và trong nền kinh tế thể hiện qua chuyến viếng thăm của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush và Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và được tặng cờ Thi đua của Chính phủ vào năm 2006.
Giai đoạn 2007 – 2008
Giai đoạn này đã ghi nhận cột mốc lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của HOSE, đó chính là việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM thành Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM theo Quyết định số 599/QĐ ngày 11/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn này còn đánh dấu hàng loạt các giải pháp tiên phong được HOSE đề xuất và triển khai nhằm nâng cao thanh khoản thị trường và cung cấp nhiều tiện ích cho nhà đầu tư như: triển khai khớp lệnh liên tục, phối hợp với Báo Đầu tư chứng khoán tổ chức cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên cho các Doanh nghiệp niêm yết vào năm 2008; chủ động quan hệ, hợp tác quốc tế sâu rộng: tham gia Hội nghị Tổng Giám đốc các Sở giao dịch chứng khoán ASEAN và cũng là thành viên sáng lập của Sáng kiến Liên kết ASEAN năm 2007, trở thành thành viên của Hiệp hội các Sở giao dịch chứng khoán châu Á và châu Đại Dương (AOSEF) từ năm 2008.
Giai đoạn 2009 – 2011
Phương thức giao dịch trực tuyến được triển khai trên HOSE vào năm 2009, một phương thức giao dịch tiên tiến đã đánh dấu sự đột phá trong việc cải thiện thanh khoản trên thị trường. Bên cạnh đó, việc được cấp Giấy chứng nhận hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào năm 2009 cũng đã giúp cho mọi hoạt động của HOSE bao gồm hoạt động đấu giá, giao dịch, niêm yết và giám sát... được vận hành và kiểm soát chặt chẽ với một quy trình thống nhất.
Với những nỗ lực và cống hiến trong suốt 10 năm hoạt động, ngày 20/7/2010, HOSE đã vinh dự đón nhận Huân Chương Lao động Hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.
Giai đoạn 2012 – 2013
Đánh dấu sự ra đời của chỉ số VN30 (với thành phần là 30 Doanh nghiệp hàng đầu) vào tháng 02/2012, lần đầu tiên chỉ số được tính theo phương pháp mới có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng nhằm phản ánh chính xác hơn những diễn biến của thị trường. Bên cạnh đó, việc trở thành thành viên chính thức với các điều kiện gắt gao của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới (WFE) vào năm 2013 đã khẳng định vị thế ngày càng được nâng cao của HOSE trên thị trường thế giới. Chính việc hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo điều kiện cho HOSE có cơ hội để được học hỏi kinh nghiệm về cách thức tổ chức và quản lý thị trường theo các chuẩn mực quốc tế.
Giai đoạn 2014 – 2015
Tòa nhà làm việc Exchange Tower chính thức được khai trương vào ngày 26/7/2014. Đây là Tòa nhà hiện đại có diện tích xây dựng trên 26.000 m2, thỏa mãn các tiêu chí kỹ thuật để lắp đặt Data Center đạt tiêu chuẩn TIA-942 ở mức TIER 3. Bên cạnh đó, dự án xây dựng Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại Khu công viên phần mềm Quang Trung cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Với hai dự án này, cơ sở hạ tầng của TTCK Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới, có thể sánh ngang với các SGDCK trong khu vực ASEAN. Giai đoạn này còn đánh dấu sự ra đời của một loạt các sản phẩm mới trên thị trường, tiếp theo sự ra đời thành công của chỉ số VN30, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thêm nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Cụ thể, đầu năm 2014, HOSE đã cho ra mắt Bộ chỉ số HOSE-Index bao gồm: chỉ số VNMidcap (chỉ số các mã vốn hóa trung bình), VN100 (thành phần là 100 Doanh nghiệp hàng đầu trên HOSE), VNSmallcap (các mã vốn hóa nhỏ), VNAllshare (chỉ số vốn hóa bao gồm các cổ phiếu niêm yết trên HOSE đáp ứng các yêu cầu sàng lọc về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng ...). Một sản phẩm tiên tiến khác của thế giới cũng đã được chính thức triển khai và giao dịch trên HOSE vào tháng 10/2014, đó là sản phẩm ETF (Exchange Traded Fund hay ETF là một hình thức quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể). Sự có mặt của sản phẩm này đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, cung cấp thêm công cụ đầu tư cho nhà đầu tư.
Giai đoạn 2015 đến nay
Ngày 1/7/2015, sàn Upcom chính thức đưa ra quyết định điều chỉnh biên độ giao dịch từ +/- 10% thành +/- 15%. Sau đó, từ 1/1/2016, chu kỳ thanh toán T+3 được rút ngắn xuống còn T+2. Tháng 8/2017, hình thức chứng khoán mới là chứng khoán phái sinh ra đời.
Sau 20 năm vận hành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đặt được nền móng quan trọng để tiếp đà phát triển trong tương lai, thể hiện trên các mặt sau:
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ
Trong 20 năm qua, cơ quan quản lý đã tích cực, chủ động xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống các văn bản pháp luật nhằm ngày càng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho hoạt động của TTCK.
Trong giai đoạn đầu, để sớm đưa TTCK vào vận hành và bảo đảm tính linh hoạt, khung pháp lý cao nhất của thị trường chỉ ở mức Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ sau 6 năm TTCK hoạt động, cơ quan quản lý đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán đầu tiên của Việt Nam vào ngày 29/6/2006. Tiếp đó, để bảo đảm thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010, Luật Chứng khoán năm 2019 và hệ thống các văn bản hướng dẫn, qua đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển ổn định, bền vững của TTCK.
Phát triển đầy đủ các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp
Cơ cấu của TTCK từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu, đến nay đã có thêm các thị trường mới giao dịch như trái phiếu chính phủ và thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh.
Số lượng sản phẩm dịch vụ của thị trường cũng đang ngày càng mở rộng. Nếu giai đoạn đầu chỉ có 2 sản phẩm giao dịch chính là cổ phiếu và trái phiếu chính phủ thì giai đoạn 2010-2020, thị trường đã phát triển thêm các sản phẩm mới được nhiều nhà đầu tư đón nhận như ETF, chứng quyền có bảo đảm, chứng khoán phái sinh.
Thị trường cổ phiếu hiện có 1.647 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch với quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt gần 1.428 nghìn tỷ đồng. Thị trường trái phiếu có 493 mã trái phiếu niêm yết (trong đó có 470 mã trái phiếu chính phủ và 23 mã trái phiếu doanh nghiệp) với giá trị niêm yết đạt 1.200 nghìn tỷ đồng. TTCK phái sinh đã chính thức được vận hành và hoạt động ổn định sau gần 3 năm triển khai với 2 sản phẩm đưa vào giao dịch là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Sản phẩm chứng quyền cũng đã được đưa vào giao dịch từ ngày 28/6/2019.
Nâng cao năng lực các tổ chức trung gian trên TTCK
Cùng với sự phát triển của thị trường, số lượng các công ty trung gian trên TTCK cũng tăng mạnh và từng bước tái cấu trúc hoạt động theo chiều sâu, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường. Năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin... của các tổ chức trung gian ngày càng được nâng cao. Các loại hình dịch vụ cung cấp trên thị trường ngày càng đa dạng và có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 74 công ty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động bình thường, trong đó có 33 CTCK có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng. Một số CTCK có sự chuyển đổi, đa dạng hóa hoạt động như tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường phái sinh, thu xếp nguồn, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu. Một số CTCK nhỏ bắt đầu tập trung vào các phân khúc khách hàng có thế mạnh và có kế hoạch ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) vào hoạt động.
Số lượng công ty quản lý quỹ hoạt động bình thường là 45 với tổng số tài sản quản lý đạt 350 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,4 lần so với thời điểm cuối năm 2011. Các công ty quản lý quỹ hiện đang quản lý 51 quỹ đầu tư chứng khoán các loại với tổng tài sản ròng gần 33,6 nghìn tỷ đồng, gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2015.
Hệ thống nhà đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng
TTCK đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với trình độ ngày càng cao, từ 3.000 tài khoản năm 2000, đến nay (tháng 6/2020) đã đạt trên 2,5 triệu tài khoản, bao gồm 33.395 tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển nhiều doanh nghiệp niêm yết thành các doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế và quảng bá hình ảnh kinh tế Việt Nam. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% vốn hóa thị trường cổ phiếu.
Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực trên TTCK của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, CTCK, công ty quản lý quỹ, các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư đã dần góp phần hình thành một hệ thống các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK.
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành và giám sát thị trường chứng khoán
Công tác quản lý, điều hành của cơ quan quản lý bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, phù hợp thực tiễn, qua đó đã giúp TTCK Việt Nam vượt qua những giai đoạn rất khó khăn như giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khủng hoảng nợ công châu u, đặc biệt gần đây là vấn đề dịch Covid-19 với diễn biến hết sức phức tạp...
Công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK ngày càng được tăng cường. Cơ quan quản lý luôn chú trọng công tác giám sát, thanh tra và kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật về chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như cơ quan thuế, cơ quan công an... nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra. Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm minh, kịp thời và được công bố công khai theo quy định, góp phần hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng thị trường.
Tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường và hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin
Hiện nay, việc tổ chức hoạt động của thị trường giao dịch chứng khoán do Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh thực hiện, trong đó SGDCK TP. Hồ Chí Minh tổ chức thị trường giao dịch cho cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, và các sản phẩm chứng chỉ quỹ, ETF, chứng quyền có bảo đảm; SGDCK Hà Nội tổ chức thị trường giao dịch cho cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết vừa và nhỏ, thị trường giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng đã đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và chưa niêm yết (Upcom); thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ chuyên biệt. Trong thời gian tới, trên cơ sở Đề án thành lập SGDCK Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2019, việc thành lập SGDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ-con trên cơ sở tái cấu trúc SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh (các công ty con) đang được triển khai tích cực. Việc thành lập SGDCK Việt Nam sẽ tạo nên khối thị trường thống nhất với quy mô lớn hơn trên cơ sở phát huy và tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tài chính hiện có, không gây xáo trộn thị trường giao dịch chứng khoán do có lộ trình phù hợp để phân chia lại các khu vực thị trường.
Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán từng bước được hiện đại hóa, cho phép rút ngắn thời gian thanh toán, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán, đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán. Thời gian thanh toán giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán cơ sở đã giảm từ T+3 xuống T+2. Cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP) đã được triển khai từ tháng 8/2017 cho TTCK phái sinh, đảm bảo hoạt động bù trừ, thanh toán thông suốt cho thị trường này. Việc chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước được triển khai từ tháng 8/2017 đã đáp ứng yêu cầu về an toàn thanh toán trên thị trường TTCP. Các SGDCK đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm gia tăng tính thanh khoản cho thị trường như thay đổi biên độ dao động giá, kéo dài thời gian giao dịch, áp dụng lệnh giao dịch mới, thay đổi phương thức giao dịch...
Mặc dù đã đạt được những nền tảng vững chắc trong 20 năm qua, TTCK Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam vẫn còn nhỏ so với TTCK khu vực và quốc tế; Chất lượng các công ty niêm yết, chất lượng các công ty chứng khoán còn thấp; Số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn trên thị trường, thị trường vẫn thiếu vắng những nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực...
Kỳ vọng phát triển đột phá
Sau 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới với những thuận lợi và thách thức đan xen, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cơ quan quản lý các cấp đã và đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững TTCK trên cơ sở quyết liệt triển khai tái cấu trúc TTCK thông qua 04 trụ cột:
- Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa trên TTCK trên cơ sở đa dạng hóa cơ sở hàng hóa trên thị trường thông qua tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, triển khai các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp, phát hành các sản phẩm trái phiếu phù hợp với nhu cầu nhà đầu tư; đồng thời nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa trên TTCK thông qua nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết, nâng tiêu chuẩn công ty đại chúng, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán.
- Tăng cường cơ sở nhà đầu tư với mục tiêu tăng số lượng nhà đầu tư và phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp để phát triển ổn định, bền vững thị trường, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài; Đồng thời, triển khai các biện pháp tăng cường tính thanh khoản cho thị trường như việc triển khai các loại lệnh mới trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt là các loại lệnh phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cho phép bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày...
- Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua việc tiến hành rà soát, đánh giá phân loại các tổ chức này trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường để có biện pháp xử lý thích hợp; đổi mới hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và bảo vệ tối đa tài sản và quyền lợi của các nhà đầu tư.
- Tái cấu trúc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo hướng thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh để phân định triệt để thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh; triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn bộ TTCK với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 và các chính sách phát triển TTCK cũng đang được tích cực xây dựng, hoàn thiện. Việc nghiên cứu phương án triển khai giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK được đẩy nhanh, đảm bảo lộ trình đã được phê duyệt.
Trên cơ sở nền tảng hệ thống pháp luật về chứng khoán và TTCK toàn diện, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030 đang được xây dựng với kỳ vọng phát triển TTCK Việt Nam theo chiều sâu, giúp TTCK, chuyển sang giai đoạn đột phá, tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.